(vhds.baothanhhoa.vn) - Bạn đọc Lê Anh Dũng (Hà Nội) hỏi: “Trong bài “LƯỢT dắt với hoa cài” “LƯỢT” nghĩa là gì?”, tác giả TP dẫn lời bài hát “...Hình em, tóc ngang vai lượt dắt với hoa cài/ Nét mi cong viền khóe mắt u hoài...”, và cho rằng, hát “lược giắt với hoa cài” là sai. Cụ thể, tác giả viết:

“Lược" hay “Lượt”?

Bạn đọc Lê Anh Dũng (Hà Nội) hỏi: “Trong bài “LƯỢT dắt với hoa cài” “LƯỢT” nghĩa là gì?”, tác giả TP dẫn lời bài hát “...Hình em, tóc ngang vai lượt dắt với hoa cài/ Nét mi cong viền khóe mắt u hoài...”, và cho rằng, hát “lược giắt với hoa cài” là sai. Cụ thể, tác giả viết:

“Lược hay “Lượt”?

“Một số bạn trẻ trên mạng đã đăng lời bài hát và sửa chữ “lượt” thành “lược”. Ý là, tóc thì phải dùng “lược” chứ “lượt” là gì (không hiểu nghĩa)? Họ nghĩ rằng hoặc là Lê Dinh bị sai chính tả, hoặc là ca sĩ bị “ngọng”...

Thực ra, Lê Dinh hoàn toàn không sai chính tả, ca sĩ hát “lượt” cũng không hề ngọng mà chỉ có thế hệ sau không hiểu hết từ vựng tiếng Việt nên nghe “lượt” cảm thấy xa lạ. Đây là một điều rất rầu lòng.

“Lượt” là một từ “xịn” trong tiếng Việt, có nghĩa là hàng tơ mỏng, dệt thưa. Dấu vết của nó vẫn còn rất rõ ràng trong cụm từ “là lượt” hoặc “quần là áo lượt” (“là”: hàng dệt bằng tơ nõn, thưa và mỏng, thường nhuộm đen)...

Lẽ ra họ nên thắc mắc rằng trong cụm từ có kết cấu tiểu đối “lượt dắt với hoa cài” thì “hoa cài” phải đối với “lượt dắt”, vậy thì “lượt” phải là cái gì đó nhẹ nhàng, đẹp đẽ chứ ai lại dắt cái LƯỢC lên đầu để trang trí??? Ngôn ngữ cũng phải có logic mà!...”.

Xin chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa cho biết, “lược giắt” hay “lượt giắt” đúng?”

Trả lời:

Chuyện “lược” hay “lượt” mà tác giả TP đặt ra, cũng như thắc mắc của độc giả LAD là vấn đề rất thú vị. Sau đây, chúng tôi xin lần lượt đi vào từng ý.

  1. “Là lượt”, “là” và “lượt”.

Đúng như tác giả TP giải thích, là và lượt đều là hàng dệt tơ mỏng và thưa, mặc mát, thời trước. Trong đó, là vốn gốc Hán là chữ la , là một loại vải tơ dệt mỏng mà nhẹ; còn lượt cũng là một loại tơ dệt thưa, mỏng, thường dùng làm khăn, áo. Thành ngữ Hán Lăng la trù đoạn , ý chỉ đồ tơ lụa nói chung, trong đó, lăng, la, trù, đoạn đều là những loại vải cao cấp dệt bằng tơ.

Thành ngữ Việt có câu Quần là, áo lượt, Khăn là áo lượt... Xưa kia, là và lượt vốn là những sản phẩm may mặc phổ biến dùng cho giới thượng lưu, khá giả. Thế nên, là lượt có thêm một nghĩa là sự sang diện, chải chuốt (như Là lượt là vợ thông lại, nhễ nhại là vợ học trò - Tục ngữ; Xưa kia em cũng lượt là, Bây giờ nó rách, nó ra thân tàn - Ca dao).

Vậy, phải chăng “lượt giắt” mới là đúng?

  1. “Lược giắt” hay “lượt giắt”?

Khi tìm kiếm trên ứng dụng Google, chúng ta sẽ thấy có cả hai dị bản “lượt giắt...” và “lược giắt...”.

Một số trang như loibaihatviet.com; nhaccuatui.com,... viết là “lượt giắt”. Một số trang khác, như dongnhacvang.com; nhacxua.vn; lyrics.vn... lại viết là “lược giắt”. Thậm chí, ngay trên cùng một trang (loibaihatviet.com), cùng tồn tại cả hai dị bản “lượt giắt...” và “lược giắt...”.

Vậy, nhạc sĩ Lê Dinh đã viết như thế nào?

Nhạc sĩ Lê Dinh sáng tác bài Tấm ảnh ngày xưa vào năm 1961. Căn cứ vào ấn phẩm cùng tên, được Nhà xuất bản An - Phú (Sài Gòn) phát hành ngày 19-6-1961 (bản chụp), thì lời bài hát là “LƯỢC giắt với hoa cài”, chứ không phải “lượt giắt...”.

Như vậy, không thể có chuyện sau này “một số bạn trẻ trên mạng đã đăng lời bài hát và sửa chữ “lượt” thành “lược”.

3.Không thể là “lượt giắt”.

Tác giả TP lập luận: “... “lượt” phải là cái gì đó nhẹ nhàng, đẹp đẽ chứ ai lại dắt cái LƯỢC lên đầu để trang trí???...”.

Tuy nhiên, ở mục 1 chúng ta thấy rằng, lượt chỉ chung một loại tơ dệt thưa, mỏng, thường dùng làm khăn, áo. Theo đây, lượt chưa phải là một loại thành phẩm, mà chỉ ở dạng nguyên liệu may áo, khăn. Với áo thì miễn bàn, còn nếu là khăn lượt, thì chức năng của nó là trùm đầu, chứ không phải “giắt” vào tóc. Giả sử “lượt” ở đây là miếng vải nhỏ, thì cho dù vải lượt có “nhẹ nhàng, đẹp đẽ” đến bao nhiêu, cũng không ai lấy một mụn vải giắt lên tóc để trang điểm bao giờ. Còn nếu lượt là cái nơ làm bằng vải lượt, thì phải gọi là cài, thắt, chứ không ai gọi là giắt.

4.Người ta có “giắt cái LƯỢC lên đầu để trang trí” không?

Hầu như tất cả các cuốn từ điển tiếng Việt đều giảng “lược” với một nghĩa duy nhất, là đồ dùng để chải tóc, có nhiều răng đều nhau. Tuy nhiên, trong thực tế còn có một loại lược gọi là lược cài, lược trâm, phụ nữ thường giắt lên tóc để trang điểm và giữ búi tóc được chặt hơn.

Nhiều tài liệu cho thấy, loại lược cài, lược trâm... đã xuất hiện hàng ngàn năm trước, với trình độ chế tác tinh xảo, trên đủ mọi chất liệu, như xương thú, sừng trâu, ngà voi, vàng, đồng... Thế nên, thành ngữ Việt có câu Lược giắt trâm cài, được nhiều cuốn từ điển tiếng Việt giải nghĩa là tả sự trang điểm cẩn thận của người phụ nữ thời xưa: Trên đầu lược giắt trâm cài,/ Tảo tần khuya sớm chưa ai chung tình. (Ca dao) Vẳng nghe thấy tiếng cha đòi,/ Gương soi, lược giắt trâm cài bước ra (Chèo Kim Nham).

Như vậy, khi viết “LƯỢC giắt với hoa cài”, nhạc sĩ Lê Dinh đã vận dụng một hình ảnh vốn sẵn có trong thành ngữ Lược giắt trâm cài/ Trâm cài lược giắt/ Gương soi lược giắt... Và, loại lược này, được Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) gọi là lược cài, với lời giảng rõ ràng: “Lược hình bán - nguyệt hay lưỡi - liềm để cài giắt trên tóc”.

Kết luận: Phải là “LƯỢC giắt với hoa cài” mới đúng. Điều này không chỉ đúng theo logic của ngôn ngữ, mà còn đúng như những gì có trong thực tế.

Hoàng Tuấn Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]