(vhds.baothanhhoa.vn) - “Sóng” là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Đăng Sương (Hội viên HVHNT Thanh Hóa) người con của quê hương “Ngã ba đầu”, nơi gặp gỡ của hai dòng sông, sông Chu sông Mã. Hai con sông mà có lần nhà thơ gọi là sông Cha, sông Mẹ. Có thể nói, giang sơn cẩm tú đã hun đúc tâm hồn thơ của anh vừa nồng nàn say đắm vừa suy tư chiêm nghiệm. Nhưng trước hết, người đọc suy cảm về một Đăng Sương lịch lãm, sang trọng với đời, với thơ. Đăng Sương còn là một họa sĩ thăng hoa khát vọng phiêu bồng qua màu mảng, đường nét, hình khối. Bởi vậy trong thơ anh, ta thấy, thi ảnh, ngôn từ rất giàu chất tạo hình của hội họa.

Nhà thơ Đăng Sương và tiếng “Sóng”

“Sóng” là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Đăng Sương (Hội viên HVHNT Thanh Hóa) người con của quê hương “Ngã ba đầu”, nơi gặp gỡ của hai dòng sông, sông Chu sông Mã. Hai con sông mà có lần nhà thơ gọi là sông Cha, sông Mẹ. Có thể nói, giang sơn cẩm tú đã hun đúc tâm hồn thơ của anh vừa nồng nàn say đắm vừa suy tư chiêm nghiệm. Nhưng trước hết, người đọc suy cảm về một Đăng Sương lịch lãm, sang trọng với đời, với thơ. Đăng Sương còn là một họa sĩ thăng hoa khát vọng phiêu bồng qua màu mảng, đường nét, hình khối. Bởi vậy trong thơ anh, ta thấy, thi ảnh, ngôn từ rất giàu chất tạo hình của hội họa.

Nhà thơ Đăng Sương và tiếng “Sóng”

1.Đứng trước vạn vật, thiên nhiên, thơ anh không chỉ dừng lại vẻ đẹp trang nhã trên con chữ mà ẩn bên trong là những nghiệm suy, ngẫm ngợi về thân phận, những truy vấn, đào sâu thế cuộc. Bài “Sóng”, mở đầu tập thơ, tác giả viết: “Tan ra rồi lại bắt đầu/ Trăm nghìn con sóng dãi dầu/ Vu vơ/ Trườn lên/ vươn mãi tận bờ/ Mà sao vẫn thấy bơ vơ/ Phận mình!”. Thể thơ lục bát bẻ dòng, tạo thành những vòng sóng ngày đêm không ngừng nghỉ. Hỏi Sóng để tự vấn về mình. Nói Sóng đồng thời cũng nói về mình: “Sóng kia đen bạc hay đời bạc đen”. Từ quy luật của Sóng, nhà thơ nghĩ về mình, kiếm tìm sự chia sẻ, đồng cảm, tự hiểu mình. Nhà thơ làm một sơ kết nhỏ về bản thể cá nhân qua thể thơ lục bát: “Đã qua bảy chục bậc đời/ Tay ta với/ Biết tay trời ở đâu/ Dăm ba giải thưởng trên đầu/ Tưởng ôm được cả địa cầu sướng chưa” (Tự vấn). Và tự giễu, đừng tưởng tuổi bảy mươi, cái “tuổi xưa nay hiếm” là thấu hết lẽ đời, cần khiêm cung hơn, học hỏi không ngừng hoàn thiện mình đồng thời tự nhắc mình, con đường nghệ thuật là con đường dài lâu, khổ ải, thử thách bản lĩnh, tài năng của ta.

Cúc họa mi, sứ giả của mùa thu, nhỏ nhắn, khiêm nhường và trắng trong thanh khiết. Hình ảnh cúc họa mi ẩn dụ thật đẹp, thật nồng nàn đắm say về tình yêu đôi lứa. Nhà thơ muốn tụng ca, tôn thờ tình yêu qua hình ảnh cúc họa mi. Tình cảm thiêng liêng đó làm cho con người ta sống đẹp, chân thiện, e ấp thơm lành như cúc họa mi. Đăng Sương dành tình cảm đặc biệt cho loài hoa bình dị, thủy chung này qua các bài: Cúc họa mi, Lời cúc họa mi, Cúc họa mi trên biên giới Hà Giang. Ở bài Thổn thức, anh có những liên tưởng thú vị: “Cúc họa mi, cúc họa mi/ Làm thổn thức nỗi niềm thu đang cháy/ Mỗi buổi mai hồng ai thức dậy/ Lại bồn chồn đau đáu cúc họa mi”.

2. Những trạng huống tâm lý trước bao gập ghềnh thế sự. Đăng Sương diễn tả bằng thể thơ năm chữ, có tính triết lý, đúc kết: “Anh đi tìm nàng thơ/ Giật mình nghe tiếng nấc/ Hay anh tìm chân thật/ giữa bao nhiêu dối lừa” (Giật mình). Nhân vật trữ tình dùng lý trí tỉnh táo để phân giải thật giả, trắng đen đôi khi lẩn khuất trong nhau. Tuổi người là chặng đường dài mải miết kiếm tìm hạnh phúc. Có những suy tưởng đến độ sâu sắc của trải nghiệm. Những câu thơ đúc kết sự trải đời, già dặn khi con người đi qua những đổ vỡ, thăng trầm. Có khi là những điều giản dị, khát khao một mái ấm tình thân: “Em ngồi khâu vạt áo/ Ve lại mấy đường tà/ Đôi mắt buồn sâu thẳm/ vọng về xa xa xa”.

Thể thơ năm chữ là thế mạnh của nhà thơ. Chữ nghĩa vừa buông lơi vừa thắt chặt, biến ảo: “Dặt dẹo giữa im lìm/ Một thân cò lặn lội/ Phập phù bao câu hỏi/ Sông bắt đầu từ đâu... Giữa chập chờn vòm lá/ Một mầm sống lìa cành” (Chiều đêm mưa). Cụ thể và bao quát, vạn vật trong sự chảy trôi, có sinh, diệt, có hội tụ chia lìa. Trong mông lung xúc cảm, anh lắng nghe nhạc đời bằng cảm giác vừa gần gụi vừa xa xôi. Những câu thơ đẹp vì tâm hồn trong sáng thiện nhân. Chất thơ, chất nhạc cứ vấn vương làm nên ca khúc đẹp, buồn: “Có những mùa hoa cải/ nở vàng bên bến sông/ Có một người con gái/ Đến giờ chưa lấy chồng... Cải vàng rồi lại xanh/ Em suốt đời chờ đợi” (Mùa hoa nhớ anh). Hoa cải, biểu tượng của tình yêu đồng thời cũng khơi gợi về thời gian chờ đợi trong vô vọng. Tình yêu đi liền với nỗi nhớ. Tổ tiên từ xa xưa đã biết nhớ mong người thương “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa, như ngồi đống than” (Ca dao). Thử xem thi nhân Nhớ: “Có con tim bồi hồi/ Đập thiết thao day dứt/ Nhớ đêm nào thao thức/ Chỉ một mình đơn côi/ con sông lặng lờ trôi/ cuốn đi bao kỷ niệm/ Để bây giờ thương mến/ Gói nỗi niềm vào mơ” (Nhớ). Tư tình gửi cả vào thơ, tình yêu khiến cho con người sống đẹp hơn. Những đúc kết mang tính quy luật của tình yêu: Nhớ mong, cô đơn, đoàn viên... trên hết là tình cảm đắm say nồng nhiệt, chân thành.

Có người ví von, trong mâm cỗ, văn xuôi là các món ăn; còn thơ là rượu, là hoa. Thơ Đăng Sương không chỉ là sự điểm trang, đó là nỗi lòng trăn trở, niềm âu lo thế cuộc, tình người đổi thay, dang dở. Cao hơn, là những đúc kết, triết lý về thế sự nhưng nhẹ nhàng tinh tế. Có lúc là những cảm giác mơ hồ xa xôi, khó gọi thành tên. Bài thơ “Chiều với biển” hay ở sự liên tưởng thú vị: “Mong sao biển bớt dỗi hờn/ Lặng im bờ cát sóng vờn miên man/ Nhâm nhi rượu với chiều hoang/ Dốc tàn giọt đắng đa đoan kiếp người”. Lấy cái vô cùng vô tận của thiên nhiên để tỏ bày nỗi buồn, cô đơn, câu thơ: “Dốc tràn giọt đắng đa đoan kiếp người” rất sáng tạo, gợi lên tâm thức buồn sầu côi cút mang ý vị phổ quát.

3. Đăng Sương là người đi nhiều, hiểu chuyện, thu vào mắt vào tim hình ảnh giang sơn cẩm tú, ươm mầm nên thơ nên nhạc. Bài thơ “Tình Pù Luông”, tứ thơ thật đẹp và phồn thực: “Váy tha thướt/ Áo thêu hoa thổ cẩm/ Lưng ong thon bầu ngực căng tròn/ Em hoa cúc rừng rung rinh nhụy thắm/ Như tiếng đàn bè dìu dặt sườn non”. Hay, Đà Lạt mộng mơ, u huyền níu lòng du khách, Đăng Sương có hẳn một “Xê ri” về xứ sở của nhạc và thơ: Hoàng hôn Đà Lạt, Đêm Đà Lạt, Chiều Lâm Viên, Đà Lạt chờ mong... Anh còn dành một tình cảm đặc biệt bằng một tập thơ về Đà Lạt. Cảm thức về một Đà Lạt mộng mơ: “Se se cơn mưa lạnh/ Tan cuối hồ Xuân Hương/ Bảng lảng một màn sương/ Mơn man chiều Đà Lạt/... Nắng chìm vào nỗi nhớ/ Núi chìm vào đêm mơ/ Có tiếng chim nhỏ giọt/ Tan vào trong mơ hồ” (Hoàng hôn Đà Lạt). Gọi đúng cái chất đặc trưng của Đà Lạt se lạnh, hanh hao, làm cho người ta khao khát hơi ấm nóng tình thân, không tránh khỏi chạnh lòng cô đơn. Có lúc, nhà thơ nhìn cái phố núi này ở một thời khắc khác: “Đà Lạt đêm về lao xao gió núi/ Tiếng thơ vọng phía đồi xa/ Nhạc rừng du dương khắc khoải/ Nhói lòng day dứt hồn ta” (Đêm Đà Lạt). Đà Lạt của nhạc và thơ cùng gió núi, người thơ lắng lòng vào thanh âm mơ màng êm ái ru hồn du khách vào giấc ngủ lịm say.

4. Tình cảm là trạng thái tâm lý khó nắm bắt, có lúc nhà thơ cảm thấy bối rối: “Ta lấy số vòng vân để tính tuổi cây/ Nhưng không thể đo chiều sâu hạnh phúc/ Anh và em lấy gì đo tâm thức/ Lấy gì đo khoảng cách ở trong nhau” (Khoảng cách). Tình yêu, hạnh phúc, loài người hàng ngàn năm cứ truy tìm căn nguyên, lý giải nguồn cơn, nhưng đành bất lực. Đoạn thơ truy vấn, thắc thỏm: lời nói, ánh mắt, yêu thương, giận hờn, nghi kỵ, nhưng qua bão tố là sóng lặng, biển yên. “Anh nợ nắng vì mây bối rối/ Anh nợ trăng, sông dội sóng lừng/ Anh nợ núi hoa vàng cô quạnh/ Anh nợ em đêm lạnh rưng rưng” (Anh còn nợ em). Hay, chỉ một từ “chớm”, Đăng Sương đã khiến người đọc liên tưởng, nghĩ suy bao điều: “Chớm đông ấm một lối về/ Chớm tình canh cánh lời thề làm tin/ Chớm sông sóng sánh nổi chìm/ Chớm rừng chọn núi im lìm mông lung“ (Chớm đông). Đất nước chiến tranh liên miên, những người vợ chờ chồng trong mỏi mòn cô đơn. Hai bài thơ “Hồn Vọng Phu”, “Vọng Phu” như một tình cảm tri ân về người phụ nữ Việt Nam thủy chung son sắt. Sau lời ngợi ca phẩm chất người mẹ là tiếng nói tố cáo sự độc ác của chiến tranh.

Con đò, dòng sông, vầng trăng, miền ký ức về quê hương xứ sở in đậm trong tâm hồn thi nhân. Nói đến những hình ảnh thiêng liêng này, ăng ten rất tinh nhạy bắt sóng, lan tỏa xúc cảm: “Chưa có con đò nào chưa đi qua vầng trăng/ Chưa có con sông nào không qua miền ký ức/ Chưa có ai chưa từng thổn thức/ Mùa qua mùa” (Đò đời). Con đò không chỉ nối kết đôi bờ mà là vùng văn hóa xứ sở, níu chân những đứa con xa mỗi lúc vọng về quê hương.

Người đọc thơ thường hay nói, một tập thơ chỉ cần vài bài hay, một bài thơ không phải câu nào cũng hay, cái hay của thơ ở sự hòa điệu của vẻ đẹp ngôn từ, lối diễn ngôn thông tuệ, đem lại khoái cảm thẩm mỹ ở người đọc bởi sức liên tưởng rộng mở, bồi đắp phù sa cho ngôn ngữ dân tộc. Đó là sự liên tài giữa tác giả và người tiếp nhận. Thơ là tiếng lòng của hồn đồng điệu được thăng hoa từ cảm xúc mãnh liệt của thi nhân. Có thể mạnh dạn nói rằng, Đăng Sương làm được điều đó qua tập thơ Sóng. Xin chúc mừng sự thành công của anh.

Bài và ảnh: Lê Xuân Toàn (ctv)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]