(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhờ mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những vùng đất đồi khô cằn nay đã thành những vườn cam trĩu quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình được xem là có triển vọng lớn, cần được nhân rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển cho các huyện miền núi của tỉnh.

Cây cam trên những vùng đồi

Nhờ mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những vùng đất đồi khô cằn nay đã thành những vườn cam trĩu quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình được xem là có triển vọng lớn, cần được nhân rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển cho các huyện miền núi của tỉnh.

Cây cam trên những vùng đồiTrang trại trồng cây ăn quả với diện tích cam lớn tại thị trấn Vân Du (Thạch Thành).

Những ngày cuối năm, nắng hanh nhuộm vàng những đồi cam ở huyện Như Xuân, chúng tôi tìm đến vùng trồng cây ăn quả tập trung xã Xuân Hòa. Từ đầu tháng 11/2023, người dân nơi đây đã tất bật thu hoạch cam Xã Đoài để dành thời gian chăm sóc cam đường canh phục vụ Tết Nguyên đán. Tại vùng đồi cây ăn quả tập trung thuộc thôn 8 không khí lao động sản xuất hối hả, nhộn nhịp. Đang thoăn thoắt chọn những quả cam đủ độ chín để cắt cho thương lái, ông Chử Thanh Hải - một trong những “ông chủ” của trang trại cây ăn quả có diện tích lớn, cho biết: Cam năm nay quả to, tròn đều, vỏ nhẵn, mọng nước... Vì cam chỉ cho thu hoạch một vụ duy nhất trong năm, thường vào tháng 11, 12 do vậy đây là dịp cao điểm thu hoạch. Những ngày này, do thương lái đến cắt cam với số lượng lớn nên chúng tôi phải có mặt tại vườn từ sáng sớm, thậm chí phải thuê thêm lao động để thu hoạch cam mới có thể đáp ứng đơn hàng.

Để vườn cam cho năng suất, chất lượng cao, ông Hải đã học hỏi kinh nghiệm những người trồng cam lâu năm để áp dụng vào trang trại của mình. Từ khâu chăm sóc, chọn giống cho đến thu hoạch, phòng trừ sâu bệnh... Ngoài ra, anh Hải cũng đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo công nghệ Israel. Vườn cam của gia đình anh được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm nên được người tiêu dùng ưa chuộng, không những được tiêu thụ trong tỉnh mà còn được các thương lái ở tỉnh ngoài đặt mua với số lượng lớn.

Xác định cam là một trong những cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của các hộ dân nên tại các xã Xuân Hòa, Bãi Trành, Thanh Xuân đã chuyển đổi diện tích trồng sắn, mía kém hiệu quả kinh tế sang trồng các loại cam Đường Canh, cam lòng vàng, cam Xã Đoài... Hiện, nay toàn huyện đã có hơn 211 ha trồng cam tập trung. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân Lê Tiến Đạt cho biết: Để phát triển bền vững sản phẩm cam Như Xuân, huyện đã chỉ đạo các xã hỗ trợ người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc cam, mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu sản phẩm cam Như Xuân để thuận lợi tiêu thụ sản phẩm. Giờ đây, cam không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn.

Vùng đất Thạch Thành được biết đến là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn, nhất là các sản phẩm cam đã được người tiêu dùng ưa chuộng như cam Vân Du, cam Hùng Hải, cam Thủy Chung, cam Vy Giang... Ngoài ra còn có các loại cam Vinh, cam Xã Đoài, cam Đường Canh, cam V2... mang hương vị đặc trưng.

Tại trang trại trồng cây ăn quả thị trấn Vân Du, ông Dương Quang Lâm cho biết: Trang trại có 24 ha trồng các loại cam được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới canh tác hữu cơ. Chúng tôi sử dụng các loại cây lá ngâm ủ trong vườn làm phân bón, sử dụng phương pháp bẫy côn trùng bằng đèn HB thắp sáng để diệt sâu bọ gây hại hoặc trực tiếp bắt giết thủ công. Bên cạnh đó, nuôi giun quế và phát triển chăn nuôi vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa tạo nguồn phân hữu cơ phục vụ trồng trọt. Chúng tôi cũng đầu tư hệ thống tưới hiện đại để tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng.

Vùng đồi của các huyện Như Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thường Xuân... được đánh giá có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển cây ăn quả nói chung và các loại cam nói riêng. Thực tế, các địa phương đã chú trọng tập trung chuyển đổi diện tích đất đồi trồng sắn, mía kém hiệu quả sang trồng cam, xây dựng sản phẩm OCOP mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân địa phương. Cùng với đó, những nông dân cũng linh hoạt ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao trên thị trường; nhất là chú trọng quảng bá, tìm đầu ra ổn định và lâu dài cho sản phẩm...

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]