(vhds.baothanhhoa.vn) - Chiều chiều, cơ sở thu mua cót của gia đình ông Dương Khắc Thành (phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) lại rộn rã tiếng nói, tiếng cười của những phụ nữ mang cót nhập cho xưởng. Niềm vui ấy cũng chính là động lực để mấy chục năm qua, ông Thành luôn cố gắng gìn giữ và phát huy nghề truyền thống quê hương.

Cựu chiến binh tâm huyết với nghề truyền thống của quê hương

Chiều chiều, cơ sở thu mua cót của gia đình ông Dương Khắc Thành (phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) lại rộn rã tiếng nói, tiếng cười của những phụ nữ mang cót nhập cho xưởng. Niềm vui ấy cũng chính là động lực để mấy chục năm qua, ông Thành luôn cố gắng gìn giữ và phát huy nghề truyền thống quê hương.

Cựu chiến binh tâm huyết với nghề truyền thống của quê hương

Cơ sở của gia đình ông Dương Khắc Thành thu mua nan cót của các hộ gia đình làm nghề trong vùng.

Sinh ra và lớn lên trên đất làng Giàng (phường Thiệu Dương) – làng quê yên ả, thanh bình bên dòng sông Chu, nơi ngã ba Đầu lắng đọng phù sa, trầm tích lịch sử, văn hóa và có nghề truyền thống làm cót nức tiếng gần xa. Ca dao xưa vẫn thường gợi nhắc: “Mùa về lại nhớ cót Giàng/ Cách mấy ngày đàng cũng đến tìm mua”. Ông Thành chia sẻ, ngay từ những ngày còn thơ bé, ông đã biết chẻ nan, đan cót. Ngoài thời gian đi học, ông Thành phụ gia đình làm cót, kiếm thêm thu nhập. Nghề cót gắn bó với ông một cách tự nhiên như hơi thở, cơm ăn, nước uống hằng ngày.

Năm 18 tuổi, cũng như nhiều bạn bè đồng trang lứa, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Thành nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Năm 1990, ông trở về quê hương với tỷ lệ thương tật 35%, bị ảnh hưởng chất độc da cam. Sức khỏe có phần giảm sút nhưng được sự tin yêu, tín nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và bà con Nhân dân, ông Thành được bầu giữ chức bí thư chi bộ thôn 1, xã Thiệu Dương (nay là phường Thiệu Dương), đội trưởng đội sản xuất.

Nghề cót làng Giàng khi ấy vẫn được ưa chuộng, ông Dương Khắc Thành cho biết: Trước đây, vào thời kỳ “thịnh vượng”, thu nhập cao, gần như cả làng đều đua nhau làm cót, không có nhà nào không làm, đường rải nan cót trắng xóa. Nghề được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, trẻ con hay người già đều có thể tham gia được nên không khí làng nghề rôm rả, hào hứng lắm”.

Cót làng Giàng nổi tiếng bởi hình thức đẹp, độ bền cao. Thoạt trông, nghề làm cót có vẻ đơn giản, nhàn nhã. Nhưng ai làm nghề mới “thấm” cái khó, cái vất vả của nghề. Cót làng Giàng được làm nên từ nứa, vầu bánh tẻ tước mảnh, loại bỏ phần cật xanh, mang phơi khô. Các lá nan không quá dày hay quá mỏng, đều nhau, được người làm cót khéo léo đan lồng vào nhau, tạo thành vân nổi đẹp mắt. Do tính chất công việc, để làm được năng suất, hiệu quả nhất, người làm cót không chỉ cần khéo tay mà phải có sự kiên trì, nhẫn nại. Người làm nghề này lâu năm, bàn tay thường bị chai sần, có khi bật máu, nhất là vào mùa đông.

Cựu chiến binh tâm huyết với nghề truyền thống của quê hương

Ông Dương Khắc Thành hướng dẫn bà con nâng cao chất lượng sản phẩm cót.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường, xuất phát từ mong muốn gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của quê hương, gia đình ông Thành bắt đầu kinh doanh sản phẩm cót. Những ngày đầu, ông Thành chủ yếu mua đi, bán lại sản phẩm. Tuy có được một chút lợi nhuận nhưng ông Thành nghĩ: “Để có thể phát triển, tạo thành quy mô lớn, mang lại giá trị cao thì không thể cứ quanh quẩn với việc mua bán “cò con” như thế này”.

Nghĩ là làm, ý chí, nghị lực của người cựu chiến binh đã đi qua lửa đạn chiến tranh luôn thúc giục ông mạnh dạn tìm tòi hướng đi mới. Sau một thời gian tích lũy vốn, kinh nghiệm, các “mối hàng” thân quen, ông Thành quyết định đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh chuyên thu mua cót xuất khẩu, hỗ trợ nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho bà con, thị trường chủ yếu là các nước như Lào, Thái Lan và cả Thụy Điển… Cơ sở kinh doanh của gia đình ông Dương Khắc Thành có diện tích hơn 700m2, bao gồm các khu nhà xưởng và kho, sân phơi, bãi tập kết nguyên liệu... Để đáp ứng nhu cầu công việc, ông Thành đầu tư mua 1 chiếc xe ô tô tải chuyên chở vật liệu và giao hàng.

Hiện nay, trung bình một tháng, cơ sở xuất của gia đình ông Thành xuất ra thị trường khoảng 10 nghìn tấm cót. Doanh thu đạt 450 triệu đồng/tháng; lợi nhuận ước tính khoảng 50 triệu đồng/ tháng. Được biết, một tấm cót (32m2) đang được thu mua với giá 45.000 đồng, sau khi trừ chi phí nguyên liệu, người lao động nhận được 25.000 đồng/tấm cót.

Ông Dương Khắc Thành cho biết: “Nghề làm cót không có con số thu nhập cố định, người làm nhanh, người làm chậm, ngày làm được nhiều, ngày làm được ít. Nếu so với thu nhập của người đi buôn, đi bán hay công nhân đi làm công ty thì không theo được. Nhưng nó có niềm vui riêng của nó. Cứ có hàng là có “tiền tươi thóc thật” trong ngày, ai muốn “cộng dồn” cho được một khoản mới lấy cả thể cũng được”.

Do tính chất công việc như thế, nên nghề làm cót hiện nay chủ yếu là phụ nữ trung niên, người già, trẻ em hay lao động tranh thủ lúc nông nhàn theo nghề. Bà Cao Thị Nguyệt (74 tuổi, phường Thiệu Dương) vừa thoăn thoắt đan cót vừa vui vẻ nói chuyện: “Tôi biết đan cót từ khi lên 6, 7 tuổi rồi. Xưa cả làng đan cót mà nay còn được bao nhiêu hộ đâu. May sao có những người tâm huyết như chú Thành, làng giữ được nghề mà những người già như chúng tôi có thêm chút thu nhập, đỡ đần cho con cháu khi ốm, khi đau”.

Cựu chiến binh tâm huyết với nghề truyền thống của quê hương

Sản phẩm cót của bà con làng Giàng được cơ sở của ông Dương Khắc Thành thu mua.

Ông Dương Khắc Lý, Trưởng phố 1, phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa nhận định: “Dù trong công việc kinh doanh hay các phong trào thi đua của phố và địa phương, ông Dương Khắc Thành vẫn luôn nhiệt tình, nghiêm túc thực hiện. Cơ sở của gia đình ông đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho bà con, nhất là người đã hết tuổi lao động, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển”.

Cũng như “số phận” chung của nhiều nghề và làng nghề truyền thống, theo thời gian, trước thách thức của cơ chế thị trường, nhịp sống hiện đại, nghề cót làng Giàng dần mai một. Cả phường Thiệu Dương chỉ còn khoảng 200 hộ làm nghề cót, nhưng ông Thành vẫn không nản chí mà kiên trì, nỗ lực gìn giữ và phát triển nghề truyền thống. Hành trình mà ông đang đi xuất phát từ tình yêu, niềm đam mê, trân trọng giá trị truyền thống, cống hiến hết mình xây dựng quê hương, đất nước.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]