(vhds.baothanhhoa.vn) - Trên dải đất hình chữ S, xuyên qua các cuộc chiến tranh là biết bao nhiêu máu xương đã rơi, biết bao người lính đã hy sinh. Nằm ở vị trí quan trọng, đất rộng, người đông, Thanh Hóa vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương, là khu vực phòng thủ rộng lớn, có tầm chiến lược trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong số 55.977 liệt sĩ, có những người may mắn đã được đưa về quê hương, không ít người vẫn nằm lại ở nơi "đất khách quê người". Đất nước đã hòa bình, thống nhất nhưng hành trình để đưa liệt sĩ trở về còn rất nhiều khó khăn và gian khổ.

Hành trình đi tìm mộ liệt sĩ: Nước mắt lại rơi!

Trên dải đất hình chữ S, xuyên qua các cuộc chiến tranh là biết bao nhiêu máu xương đã rơi, biết bao người lính đã hy sinh. Nằm ở vị trí quan trọng, đất rộng, người đông, Thanh Hóa vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương, là khu vực phòng thủ rộng lớn, có tầm chiến lược trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong số 55.977 liệt sĩ, có những người may mắn đã được đưa về quê hương, không ít người vẫn nằm lại ở nơi “đất khách quê người”. Đất nước đã hòa bình, thống nhất nhưng hành trình để đưa liệt sĩ trở về còn rất nhiều khó khăn và gian khổ.

Hành trình đi tìm mộ liệt sĩ: Nước mắt lại rơi!Giây phút xúc động trước mộ liệt sĩ Lữ Văn Thái. Ảnh: LÊ THANH HÙNG

Đến nay, có hơn 10.000 liệt sĩ nguyên quán tỉnh Thanh Hóa có mộ đang an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc, trong đó, hơn 8.000 mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin, hơn 2.000 mộ liệt sĩ có một phần thông tin. Ngoài ra còn hơn 40.000 liệt sĩ chưa biết thông tin về phần mộ. Tìm và đưa được phần mộ của người thân, đồng đội về, là mong mỏi khôn nguôi và là những câu chuyện đầy nước mắt.

Chuyến đi rơi nhiều nước mắt nhất

Đã 50 năm sau khi biết tin người anh trai đã ngã xuống chiến trường ác liệt nhất, ông Lữ Văn Năm (trú tại xã Tam Lư, huyện Quan Sơn) vẫn trăn trở một điều: làm sao để đưa anh trai, liệt sĩ Lữ Văn Thái, về quê hương, đúng như tâm nguyện khi bố mẹ còn sống.

Ngày 25/7/2023 là lần đầu tiên ông cùng với người em họ là Hà Văng Ẳng đi xa gần 1.000 km từ quê nhà vào vùng Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Nhờ có những người cựu chiến binh mà ông đã “gặp” anh trai.

Theo Giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, liệt sĩ Lữ Văn Thái (SN 1950, xóm Hậu, xã Tam Lư, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nhập ngũ tháng 7/1968, cấp bậc Hạ sĩ, chức vụ Chiến sĩ; đơn vị khi hy sinh: C1/D1/E83/BTL Công binh; hy sinh ngày 7/1/1973 tại An Toàn, Sơn Tân, Quế Tân, Quảng Nam (nay là xã Hiệp Thuận, Hiệp Đức), do máy bay B52 oanh tạc.

Qua câu chuyện, ông Năm cho chúng tôi biết: Từ nhiều năm trước, nhờ có ông Đặng Ngọc Nga, khi đi thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ xã Hiệp Thuận tình cờ thấy hai tấm bia của hai liệt sĩ nằm cạnh nhau cùng quê Thanh Hóa. Trên bia liệt sĩ ghi thông tin rất ít. Riêng tấm bia liệt sĩ Thái chỉ có họ tên, quê ở tỉnh Thanh Hóa. Các thông tin như ngày hy sinh, đơn vị chiến đấu, mặt trận hy sinh cũng bị bỏ trống. Tin chắc rằng gia đình đang mòn mỏi tìm kiếm, ông Nga bắt đầu đi lần dò. Ông tìm ở trong kho lưu trữ, và liên lạc với ngành thương binh - xã hội của 2 tỉnh Quảng Nam – Thanh Hóa. Thời gian đã lâu, quá trình đổi tên, tách huyện khiến việc tìm kiếm khó khăn.

Hơn 5 năm, kể từ lần đầu tiên, tháng 4/2019, ông Lữ Văn Năm nhận được tin báo từ ông Đặng Ngọc Nga về phần mộ anh trai đến nay, gia đình luôn ở trạng thái ngóng trông. “Để có chuyến đi này, ban đầu là gọi tất cả con cháu trong gia đình về, vừa thông báo chuyến đi, vừa vận động mỗi người đóng góp một ít kinh phí để đi vào Quảng Nam”, ông Năm cho biết.

Không chỉ là chuyến đi xa nhất, đây cũng là lần ông Năm rơi nước mắt nhiều nhất. Nước mắt ông rơi từ lúc gặp những cựu chiến binh – “ân nhân lớn” của gia đình; đến khi nhìn thấy tấm bia đá màu trắng khắc dòng chữ "Lê Văn Thái (Thác), nước mắt càng rơi nhiều hơn.

Chuyến đi xa này, ông Năm đã thỏa tâm nguyện của bố mẹ lúc còn sống đã dặn dò ông và cô em gái nhất định phải tìm được anh trai. “Gia đình thờ anh mấy chục năm qua nhưng không có ảnh. Chúng tôi hỏi quanh suốt 50 năm rồi nhưng chẳng có thông tin gì, mình là người dân tộc, làm nông nghiệp, ít học thì biết đi tìm ở đâu”, ông Năm nói.

Sau chuyến đi ấy, ông Năm ra về, lòng nhẹ nhàng hơn nhiều dù vẫn để lại người anh trai của mình ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.

Ngóng trông từ xa

Rời quân ngũ từ chiến trường Lào với những thương tật chiến tranh in hằn trên thân thể, thương binh Nguyễn Hồng Hà, sinh năm 1946 ở thôn Tiên Lăng, xã Cẩm Vân, Cẩm Thủy vẫn cứ ngóng trông tin tức của đồng đội mỗi ngày. Không chỉ là tin đồng đội sống thế nào, có bị vết thương tái phát đau đớn không mà còn là đã có thêm đồng đội nào được tìm thấy dưới những cánh rừng nơi nước bạn Lào chưa?

Hành trình đi tìm mộ liệt sĩ: Nước mắt lại rơi!CCB Nguyễn Hồng Hà giới thiệu sơ đồ ông vẽ khu vực Pa Thí (Lào) chỉ đường để Đội quy tập mộ liệt sĩ tìm kiếm.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố mẹ quanh năm gắn bó với đồng ruộng. Giữa lúc đất nước chìm trong khói đạn, năm 17 tuổi ông nhập ngũ và sang chiến trường Lào chiến đấu. Trên đất bạn Lào, ông được bổ sung vào Đơn vị 923, Đoàn 766, Bộ Tư lệnh 959, tham gia hầu hết các trận đánh trong năm 1966-1967. Sau đó ông được rút về Mường Ngà tham gia đơn vị đặc biệt C23, Bộ Tư lệnh 959 để huấn luyện trở thành đặc công. Ông và các đồng đội được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm Pa Thí, nơi tập trung sân bay, đường hầm, ra đa... như một chiến hạm lớn, với chiều dài gần 6 km, rộng 1 km là trung tâm chỉ huy đánh phá miền Bắc Việt Nam của quân đội Mỹ.

Ở Pa Thí, là Trung đội trưởng được quyền Đại đội phó, ông chịu trách nhiệm toàn bộ việc chỉ huy. “Chúng tôi gồm có 22 đảng viên, 22 quần chúng, một người là lính già, được giao nhiệm vụ phòng ngự và tấn công đỉnh Pa Thí, nơi Mỹ tuyên bố bất khả xâm phạm. Lực lượng của địch mạnh, 29 chiến sĩ của ta đã hy sinh trên đồi cao 1.700m không thể đưa xuống được. Chứng kiến từng sự hy sinh của mỗi đồng đội, đến giờ tôi vẫn chưa bao giờ quên”.

Sau trận đánh ở Pa Thí, bắn hỏng 13 máy bay và làm thương tổn 13 tiểu đoàn của địch, đơn vị của ông còn ở lại phòng ngự Pa Thí thêm 7 năm, trong đó có việc chăm sóc và trông coi tổng khu 50 km2. Ông chia sẻ: “Thời gian đó, hàng năm cứ vào dịp 27/7, tôi vẫn cho anh em đi phát mộ, dọn dẹp toàn khu”.

Gần 50 năm rời đất Lào, nhưng ông vẫn còn nhớ rõ câu nói của một đồng đội lúc hấp hối: “Khi đất nước hòa bình, nếu người nào còn sống, hãy cố gắng tìm hài cốt đồng đội đưa về quê nhà”.

Với trí nhớ tốt, ông đã vẽ sơ đồ tường tận từng vị trí ngôi mộ do chính tay mình và đồng đội chôn cất, từ đó chỉ đường cho Đội quy tập mộ liệt sĩ tìm đến. Ai đã gặp ông đều không khỏi ngạc nhiên, tại sao ngồi ở Việt Nam nhìn trên tọa độ, thông qua chiếc điện thoại “cục gạch”, từ năm 2003 đến 2017, ông đã cung cấp tọa độ, dẫn đường, chỉ huy tìm được tổng cộng 165 mộ liệt sĩ. “Mỗi lần nghe tin đội quy tập tìm được một mộ liệt sĩ, nước mắt tôi lại rơi vì quá vui mừng”, ông Hà kể lại.

Đến lúc này, vẫn còn nhiều ngôi mộ chưa được tìm thấy. Trí nhớ của ông còn nguyên, nhưng trong 50 năm ấy có biết bao sự thay đổi, những con đường đất năm nào, nay đã là đường nhựa, rộng thênh thang, những cánh rừng đã được khai thác... Không chỉ có đồng đội, mà người anh trai của ông vẫn đang nằm bên đất Lào.

Ngóng trông là tâm trạng của những người đang đi tìm mộ người thân, đồng đội. Thượng tá Hoàng Minh Thế nhớ lại những ngày khi ông còn là Đội trưởng Đội quy tập, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (giai đoạn 1997-2004): Tôi đã khóc không biết bao nhiêu lần khi tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ trên đất Lào. Có người còn nguyên, có người chỉ còn là đùm nilon, thậm chí chỉ có khuy áo màu trắng và dúm tóc đen trong túi vải. Tôi nhớ mãi, hành quân 7 ngày ròng, khi nhìn thấy 7 gốc cây, khắc 7 cái tên liệt sĩ, tất cả chúng tôi đều khóc. Khóc vì vui, vì thương, vì xót xa”.

Cuộc chiến đã đi qua, công tác tìm kiếm, tiếp nhận, an táng hài cốt liệt sĩ và chăm sóc, quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, khắc phục hậu quả sau chiến tranh luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhiều tổ chức cá nhân đóng góp. Những việc làm cụ thể đó đã phần nào làm vơi đi nỗi đau của nhiều gia đình, của những người cha, người mẹ, người vợ và thân nhân ngày đêm đợi chờ.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]