(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là động lực tác động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP Thanh Hóa phát triển.

Lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Những năm gần đây, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là động lực tác động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP Thanh Hóa phát triển.

Lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏiNhiều hộ dân phường Đông Lĩnh giàu lên từ trồng hoa.

TP Thanh Hóa hiện có 28/34 phường, xã có tổ chức hội nông dân với 20.237 hội viên. Xác định phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là “luồng gió” làm thay đổi đời sống kinh tế của người nông dân, các cấp hội nông dân TP Thanh Hóa đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia phong trào. Đồng thời, phối hợp với chính quyền cùng cấp, các HTX nông nghiệp xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức cho hội viên thi đua SXKDG. Hằng năm, toàn thành phố có hơn 17.000 lượt hộ nông dân đăng ký thi đua đạt danh hiệu gia đình nông dân SXKDG các cấp.

Để người nông dân có thêm động lực, phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vươn lên làm giàu, các cấp hội nông dân thành phố còn thường xuyên khích lệ, động viên hội viên hăng hái thi đua lao động, sản xuất, nhất là khắc phục điều kiện bất lợi về đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình phát triển đô thị nhanh, đẩy mạnh tích tụ đất đai, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đồng thời chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như hoa, cây ăn quả, rau màu; từng bước hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, du lịch trải nghiệm đồng quê. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp hội nông dân thành phố thực hiện chương trình phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Cổ phần Thương mại Bưu điện Liên Việt hỗ trợ 7.062 hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, với số tiền hơn 362,856 tỷ đồng. Đó còn là việc hỗ trợ 79 hội viên được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân TP Thanh Hóa để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, sự đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến xã, phường như tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để người nông dân kiên định, thành công với con đường đã chọn gắn bó với sản xuất nông nghiệp, làm giàu từ đồng đất. Bởi vậy phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững của TP Thanh Hóa đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Điều này được thể hiện rõ nét qua số gia đình nông dân đạt danh hiệu SXKDG các cấp tăng về chất và lượng trong những năm gần đây. Nếu giai đoạn 2017-2020, TP Thanh Hóa có 9.406 hộ dân đạt danh hiệu gia đình nông dân SXKDG 3 cấp, thì đến giai đoạn 2021-2023 tăng lên 9.703 hộ gia đình nông dân SXKDG. Mừng hơn, trong tổng số hộ gia đình SXKDG, có 311 hộ đạt thu nhập từ 300 đến dưới 500 triệu đồng/năm, tăng 21 hộ so với năm 2020; hộ có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm là 88 hộ, tăng 8 hộ so với năm 2020. Không ít hộ nông dân trước đây kinh tế khó khăn, nhờ năng động, dám nghĩ, dám làm đã vươn lên trở thành những hộ khá giả.

Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân làm kinh tế giỏi. Tiêu biểu như ông Nguyễn Đức Hiệu, tổ dân phố 1, phường Đông Cương với mô hình trồng hoa và cây ăn quả, quy mô 0,8 ha cho thu nhập mỗi năm 240 triệu đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động; ông Lê Văn Sơn, thôn Sơn Hà, xã Hoằng Đại với mô hình gia trại chăn nuôi gà, số lượng khoảng 10.000 con và mô hình nuôi ốc nhồi cho hiệu quả kinh tế cao với thu nhập mỗi năm khoảng 350 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động. Cũng ở xã Hoằng Đại còn có anh Nguyễn Văn Tĩnh, thôn Đồng Tiến với mô hình trồng cây ăn quả như dưa hấu, bí xanh, hoa và nuôi cá, mỗi năm thu nhập 300 triệu đồng, giải quyết cho 5 lao động có việc làm, giúp đỡ 2 hộ nghèo. Hay anh Nguyễn Văn Xuân, phường Đông Lĩnh với mô hình sản xuất đồ gỗ, doanh thu hàng năm từ 9 tỷ đồng trở lên, giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương. Đáng nói hơn, từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, người nông dân không chỉ nâng cao thu nhập, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mà còn góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025.

Điểm nổi bật khác trong phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững của TP Thanh Hóa là đã khuyến khích, động viên hội viên, nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp sức để các hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Từ năm 2021 đến 2023, các cấp hội nông dân thành phố kêu gọi, vận động các hộ nông dân SXKDG tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11.000 lượt lao động. Trong đó có 5.056 lượt lao động có việc làm thường xuyên và hơn 5.000 lượt lao động có việc làm mùa vụ. Đồng thời, hỗ trợ vốn, cây, con giống và truyền đạt kinh nghiệm sản xuất cho hơn 1.284 lượt hộ nông dân. Qua đó đã giúp 285 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, có sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn TP Thanh Hóa, trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Những thành quả từ khối óc, bàn tay lao động của người nông dân không chỉ là nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội của mỗi phường, xã, mà còn góp phần xây dựng TP Thanh Hóa sớm trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

Bài và ảnh: Trần Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]