(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm 2018, Như Xuân là huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 275/QĐ-TTg công nhận thoát nghèo. Đây là kết quả quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của huyện trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. Giai đoạn 2021-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Như Xuân xác định nhiệm vụ giảm nghèo nhanh và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) là một nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII.

Như Xuân thực hiện giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới

Năm 2018, Như Xuân là huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 275/QĐ-TTg công nhận thoát nghèo. Đây là kết quả quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của huyện trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. Giai đoạn 2021-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Như Xuân xác định nhiệm vụ giảm nghèo nhanh và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) là một nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII.

Như Xuân thực hiện giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mớiCán bộ, công chức xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân giúp hộ gia đình bà Lê Thị Dương, thôn Lâm Chính cải tạo vườn tạp nâng cao thu nhập góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM tại địa phương.

Xác định việc cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ là một trong những việc làm quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Xuân đã tập trung lãnh đạo các tổ chức chính trị và các đoàn thể từ xã đến các thôn vận động Nhân dân cải tạo vườn tạp. Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Ngọc Tuấn cho biết: Để hướng dẫn, giúp đỡ các hộ gia đình cải tạo vườn tạp, UBND xã xây dựng kế hoạch tổ chức phân công cán bộ, công chức xã phụ trách thôn, tổ chức đến các hộ gia đình giúp dân cải tạo vườn tạp gắn với phong trào “Ngày thứ 5 và thứ 7 cán bộ và Nhân dân chung tay xây dựng NTM”. Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 xã đã tổ chức cải tạo được 30 vườn tạp cho các hộ gia đình. Xã còn huy động người dân thực hiện làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm trong xã, ngoài ra các cán bộ chuyên môn xuống thôn, kiểm tra, hướng dẫn các hộ về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi theo hướng “cầm tay chỉ việc”...

Là địa phương thuần nông, tuy còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã Xuân Bình coi xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao đời sống Nhân dân. Chính vì vậy, xã tập trung chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, các thôn tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền bài bản đến từng hộ dân bằng nhiều cách thức như tuyên truyền bằng hình ảnh về thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, phong trào cải tạo vườn. Chủ tịch UBND xã Trịnh Xuân Sơn cho biết: Địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn cùng vào cuộc. Trước hết là làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu cao nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, NTM nâng cao chính là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Sở dĩ phong trào xây dựng NTM ở xã Xuân Bình đã huy động được sự chung tay góp sức của người dân là bởi xã, thôn luôn thực hiện với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Nhìn chung, kết quả công tác xây dựng NTM đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân ở khu vực nông thôn. Diện mạo các vùng nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; mức độ hưởng thụ về văn hóa, y tế, giáo dục, chất lượng cuộc sống, thu nhập người dân nông thôn được nâng cao, cảnh quan, đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp; kinh tế - xã hội phát triển, an ninh - trật tự khu vực nông thôn được bảo đảm.

Công tác giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng NTM là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, vì vậy trong những năm gần đây các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở ở Như Xuân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức và tính chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân trong công tác giảm nghèo; khơi dậy ý chí tự vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo. Trong năm 2021 và 2022, huyện Như Xuân đã mở 10 lớp tuyên truyền hướng nghiệp, nâng cao năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo cho trên 1.300 người trên địa bàn huyện. Đặc biệt trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động Nhân dân xóa bỏ, giảm bớt hủ tục trong việc cưới, việc tang, cầm vía, qua đó đã giúp các hộ dân giảm bớt các chi phí không cần thiết, nhất là với hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh như: Trồng chè nguyên liệu, trồng cây ăn quả (xoài, keo, chanh leo) phục vụ chế biến và xuất khẩu. Năm 2021-2022, toàn huyện đã trồng mới được 24,8 ha chè nguyên liệu, 189 ha cây quả. Tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lũy kế đến nay đạt 1.323,5 ha. Quan tâm phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bán công nghiệp với quy mô trang trại vừa và nhỏ. Kết quả đến cuối năm 2022, bình quân thu nhập đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm, tăng 11,6 triệu đồng so với năm 2020. Giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 64 triệu đồng/ha, tăng 9 triệu đồng so với năm 2020. Thực hiện 8 mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại 5 xã Thanh Quân, Thanh Phong, Thanh Lâm, Thanh Hòa, Thanh Sơn đã hỗ trợ 150 con trâu/bò cho 150 hộ dân với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho 1.531 hộ nghèo được vay ưu đãi với tổng số tiền 82,25 tỷ đồng, 1.734 hộ cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất với tổng số vốn vay 103,5 tỷ đồng. Chương trình xây dựng NTM có nhiều chuyển biến tích cực, đến nay toàn huyện đã có 5 xã đạt chuẩn NTM, 54 thôn đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 thôn đạt kiểu mẫu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững gắn với chương trình xây dựng NTM vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, như: Kinh phí dành cho hỗ trợ phát triển sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tạo ra bước đột phá trong việc khuyến khích, hỗ trợ người dân thoát nghèo. Một số ban chỉ đạo ở các địa phương hoạt động yếu, không thường xuyên, liên tục. Một bộ phận cán bộ, người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không tự giác, phấn đấu vươn lên để thoát nghèo. Một số chính sách hỗ trợ rất tốt nhưng hộ nghèo, hộ cận nghèo khó tiếp cận, khó thụ hưởng như chính sách theo NQ 185, NQ 192 của HĐND tỉnh.

Thời gian tới, huyện Như Xuân tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tính chủ động của cấp ủy, chính quyền và người dân về công tác giảm nghèo, qua đó làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân xóa bỏ các tập tục gây tốn kém, lãng phí, tập trung lao động sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, ưu tiên cho công tác xuất khẩu lao động. Chủ động khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mạnh các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng NTM, nhất là công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Bài và ảnh: Minh Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]