(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tọa lạc giữa một cánh đồng thuộc xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, chùa Nổ (còn gọi là Đại Phúc tự) ngày càng được nhiều người biết đến không chỉ bởi nổi tiếng linh thiêng, mà còn bởi cảnh quan ngôi chùa đẹp như một bức tranh đồng quê thơ mộng, thanh bình. Ở đó, dù là ai cũng sẽ tìm thấy được niềm vui, sự thanh thản sau những ngày mưu sinh vất vả.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bình yên bên chùa Nổ

(VH&ĐS) Tọa lạc giữa một cánh đồng thuộc xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, chùa Nổ (còn gọi là Đại Phúc tự) ngày càng được nhiều người biết đến không chỉ bởi nổi tiếng linh thiêng, mà còn bởi cảnh quan ngôi chùa đẹp như một bức tranh đồng quê thơ mộng, thanh bình. Ở đó, dù là ai cũng sẽ tìm thấy được niềm vui, sự thanh thản sau những ngày mưu sinh vất vả.

Nét xưa còn lưu giữ

Nằm trong quần thể di tích Đình làng Bất Động (gồm đền thờ Trần Nhật Duật, nghè Đệ Nhị...), chùa Nổ đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của nhân dân xã Quảng Ngọc biết bao thế hệ. Tiếc là, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, các tài liệu ghi chép về thời gian xây dựng chùa đã bị thất lạc, chỉ biết được năm trùng tu chùa (1922), sơ đồ vẽ chùa trong gia phả của dòng họ Lê (làng Uy Nam, xã Quảng Ngọc ) và các di vật cổ như: chân tảng đá hình cánh sen, khánh đá, bát hương đá... Đây là những di vật mang đậm phong cách nghệ thuật ở thế kỷ XIII. Cùng với các chứng liệu đã được tìm thấy, nhiều người cho rằng chùa ít nhất xuất hiện cuối thời Trần, đầu thời Lê. Theo cụ Bùi Bá Khắc (93 tuổi), người làng Kỳ Vỹ và nhiều cụ cao niên trong xã thì chùa Nổ xưa kia là chùa chung của các xã phía Nam huyện Quảng Xương, tọa lạc trong một không gian văn hóa mang đậm hồn dân tộc với xung quanh là chợ Hội, cây đa, giếng nước, cánh đồng... Chùa không bề thế nhưng đầy đủ các công trình: Cổng Tam quan, Chính điện, nhà Mẫu, nhà Tổ, giếng đất (xung quanh giếng được lát đá phiến). Trong suốt thời gian tồn tại, chùa được các thế hệ con cháu gia đình ông Lương Văn Tuyển trông coi. Năm 1922 ông Tuyển đã bỏ tiền ra trùng tu, tôn tạo lại chùa. Đến năm 1964, chùa bị sụp đổ một phần do bom đạn Mỹ đánh phá. Lúc bấy giờ, chính quyền địa phương đã sử dụng chùa để làm trạm xá, nhà kho và trạm điện. Đến năm 2007 xã Quảng Ngọc chuyển trạm xá đến nơi khác để trả lại diện tích cho ngôi chùa cổ.

Điểm hẹn văn hóa tâm linh hấp dẫn

Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương và du khách gần xa, năm 2008 chính quyền, MTTQ, Hội Người cao tuổi, nhân dân xã Quảng Ngọc và các nhà hảo tâm xa gần đã đóng góp công đức xây dựng lại chùa Nổ trên nền móng cũ. Công trình xây dựng theo thiết kế được UBND huyện Quảng Xương phê duyệt và Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Thanh Hóa (nay là Trung tâm Bảo tồn Di sản Thanh Hóa) thẩm định, đồng ý cho chủ trương phục hồi. Do vậy, từ các hạng mục như: cổng tam quan, sân chùa, nhà tiền đường, hậu cung... cho đến hệ thống các tượng thờ trong chùa dù mới được phục dựng nhưng tất cả dựa trên kiến trúc nghệ thuật cổ xưa, qua đó giúp khách hành hương có thể hiểu rõ hơn về một giai đoạn phát triển nền mỹ thuật của nước nhà. Đến năm 2011, chùa Nổ đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

Chùa Nổ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân.

Đến nay, sau 5 năm được phục hồi và đi vào sử dụng, chùa Nổ đã trở thành điểm hẹn văn hóa tâm linh không chỉ của nhân dân trong vùng mà còn của rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Đây cũng chính là cơ sở để thành lập Giáo hội Phật giáo huyện Quảng Xương (2014). Đặc biệt hơn, nhà chùa đã tập hợp được một CLB thanh thiếu niên để dạy võ và truyền dạy cho các em giáo lý nhà Phật, góp phần phát triển đạo tâm, đạo hạnh, giảm trừ các tệ nạn xã hội. Và cũng bởi xuất phát từ mong muốn đó mà gắn với các sự kiện lớn nhỏ của quê hương, đất nước, nhà chùa luôn tổ chức các hoạt động từ thiện nhân đạo và tham gia ủng hộ các chương trình Ngày vì người nghèo, thiên tai lũ lụt, khám bệnh, cấp phát thuốc cho đồng bào vùng lũ, vùng sâu, vùng xa... do Ủy ban MTTQ và chính quyền các cấp phát động. Qua đó phần nào xoa dịu nỗi đau cho những người khổ hạnh, người có nhiều cống hiến nhưng già yếu, bệnh tật...

Thời gian lưu lại ở chùa Nổ không nhiều nhưng được nghe những việc mà nhà chùa đã và đang làm, tôi hiểu hơn vì sao việc dựng chùa lại được người đời chú trọng như vậy. Và tôi biết, mình sẽ sớm trở lại nơi này không chỉ để chiêm nghiệm nhiều hơn về giáo lý nhà Phật, mà quan trọng là để có được những phút giây bình yên, nhất là khi được nghe những tiếng chuông ngân, được ngắm nhìn bức tranh đồng quê sau những ngày bận rộn, hối hả.

Mai Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]