(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Loay hoay hoạt động, thắt chặt nguồn quỹ của đơn vị để trả lương cho người lao động… đều mới chỉ là cách làm mang tính tình thế của các trung tâm VH-TT hiện nay. Để giải quyết vấn đề và tìm ra hướng đi thực sự bền vững cho hoạt động của các đơn vị sự nghiệp kể trên, rất cần thiết có những thay đổi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hướng đi nào cho các Trung tâm VH-TT (Bài cuối): Đi tìm lời giải cho trung tâm VH-TT

(VH&ĐS) Loay hoay hoạt động, thắt chặt nguồn quỹ của đơn vị để trả lương cho người lao động… đều mới chỉ là cách làm mang tính tình thế của các trung tâm VH-TT hiện nay. Để giải quyết vấn đề và tìm ra hướng đi thực sự bền vững cho hoạt động của các đơn vị sự nghiệp kể trên, rất cần thiết có những thay đổi.

Không phải ai cũng có thể làm VH-TT

Trung tâm VH-TT huyện Quảng Xương không có hợp đồng lao động vì số lượng định biên đã trên 10 người, song nói về hiệu quả công việc thì người đứng đầu trung tâm thẳng thắn cho biết: chỉ cần một nửa số lượng định biên là người thực sự có năng lực thì cũng có thể đáp ứng được khối lượng công việc.

Đó có lẽ cũng là thực tế ở không ít các trung tâm VH-TT hiện nay. Khi mà không ít người đã được biên chế gần như chỉ làm tròn vai “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, vẫn được tăng lương cùng các chế độ song hiệu quả công việc còn nhiều hạn chế.

Tại Trung tâm VH-TT huyện Thạch Thành, số lượng định biên cho phép là 10 người nhưng con số thực tế vẫn chỉ dừng lại ở 7 cán bộ. Ông Cao Văn Đồng - Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện được xem là người dành gần trọn cuộc đời làm việc của mình cho sự nghiệp VH-TT nặng lòng chia sẻ: việc nhiều cán bộ thiếu chuyên môn, nghiệp vụ văn hóa, thông tin, thể thao… nhưng vẫn được điều động về làm việc tại các trung tâm VH-TT là thực tế.

Trong khi đó, những cán bộ làm được việc, cống hiến hết mình thì vì nhiều lý do lại vẫn chỉ là cán bộ hợp đồng, có thể bị dừng công việc bất cứ lúc nào và bản thân họ dù là người có đóng góp về thành tích song lại bị hạn chế về mặt “tiếng nói”.

Bởi vậy theo ông, để cải thiện chất lượng hoạt động của trung tâm VH-TT, để nguồn nhân lực của đơn vị làm việc thực sự hiệu quả thì cần thiết phải có sự lựa chọn ở công tác đầu vào. Cụ thể: trung tâm VH-TT là đơn vị sự nghiệp, hoạt động đặc thù, vì thế, nên để thủ trưởng đơn vị tham mưu cho lãnh đạo huyện về mặt con người dựa trên quy chế hoạt động của trung tâm VH-TT theo quy định của Bộ VH,TT&DL thay vì việc bị động tiếp nhận cán bộ theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện như lâu nay.

Nói một cách đơn giản thì thủ trưởng các trung tâm VH-TT phải có quyền quyết định trong việc tiếp nhận, tuyển chọn nguồn nhân sự dựa trên nhu cầu thực tế hoạt động của đơn vị, dù là cán bộ biên chế hay hợp đồng thì đó cũng phải là người có trình độ, năng khiếu, đam mê…

Cũng nói về nguồn nhân lực “đa dạng” ở các trung tâm VH-TT hiện nay, ông Nguyễn Huy Sơn - Giám đốc Trung tâm VH-TT tỉnh cho rằng: muốn các trung tâm hoạt động hiệu quả thì nguồn nhân lực chất lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đã đến lúc cần thiết phải thay đổi tư duy xem các trung tâm là nơi tiếp nhận cán bộ dôi dư, yếu kém và thiếu chuyên môn, nghiệp vụ.

Tăng nguồn thu cho các trung tâm VH-TT

Cùng với hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng thì kinh phí cũng là một trong những khó khăn “trói tay” các trung tâm trong hoạt động. Thực tế, dù là đơn vị sự nghiệp song phần lớn các trung tâm VH-TT hiện nay đều mới chỉ hoạt động dựa trên nguồn kinh phí nhà nước bao cấp, rất ít đơn vị tạo được nguồn thu.

Cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động thể thao tại trung tâm VH-TT huyện Như Xuân được nâng cấp đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Có mặt tại Trung tâm VH-TT huyện Như Xuân, trái ngược với không khí “ảm đạm” từng bắt gặp ở nhiều đơn vị, nơi đây khiến chúng tôi bất ngờ về cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư khang trang, cùng với đó là một không gian đậm sắc VH-TT. Đáng chú ý nhất có lẽ là khu vực sân vận động được đầu tư đồng bộ phục vụ hoạt động thể thao.

Chia sẻ về hoạt động tăng nguồn thu sự nghiệp cho đơn vị, anh Cao Tiến Dũng - Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện chia sẻ: là người đứng đầu trung tâm, tôi muốn thay đổi quan niệm cố hữu rằng, hoạt động VH-TT chỉ tiêu tốn tiền của Nhà nước, thay vào đó chúng ta hoàn toàn có thể từng bước mang lại nguồn thu cho hoạt động sự nghiệp, đảm bảo đời sống cho cán bộ và người lao động.

Với việc mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, dù mới chỉ một thời gian ngắn song đến thời điểm hiện tại, Trung tâm VH-TT huyện Như Xuân đã đảm bảo chi trả tiền lương cho hai cán bộ hợp đồng mà không cần phải trích từ nguồn kinh phí nhà nước bao cấp. Và có lẽ, điều quan trọng hơn là những đổi thay trong hoạt động của trung tâm đã tạo sân chơi tiện ích, đa dạng, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động văn hóa, luyện tập thể thao.

Không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Năng động, tự giác trong hoạt động và tìm hướng đi thích hợp. Đó là cách mà Trung tâm VH-TT huyện Như Xuân đã từng bước giải quyết khó khăn, đưa hoạt động của đơn vị phát triển, đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.

Có lẽ, Trung tâm VH-TT huyện Như Xuân không phải là đơn vị đầu tiên có ý tưởng tăng nguồn thu sự nghiệp song đến thời điểm hiện tại thì đây là một trong số rất ít đơn vị khắc phục được những khó khăn để ổn định hoạt động.

Câu chuyện về hướng đi cho các trung tâm VH-TT sẽ vẫn là vấn đề đầy trăn trở nếu không tìm được lời giải thỏa đáng. Song có một điều, để các trung tâm VH-TT hoạt động như một đơn vị sự nghiệp đúng nghĩa, cần thiết phải có những cơ chế phù hợp và sự mạnh dạn thay đổi trong cách nghĩ, cách làm.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]