Vỡ hụi - Chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"
Mấy ngày nay, mỗi lần lướt Facebook, bảng tin của tôi đều trở đi trở lại thông tin “hàng chục hộ gia đình ở Thanh Hóa trắng tay sau khi vỡ hụi hàng chục tỷ đồng”.
Đính kèm dòng trạng thái ấy là hình ảnh một nhóm người, đủ cả già, trẻ, trai, gái với gương mặt giận dữ, tức giận vung tay vung chân trước một ngôi nhà cửa đóng then cài. Hình ảnh bà lão tóc bạc phơ, miệng móm mém ngồi thất thần trên bệ cửa khiến nhiều người thương cảm.
Phía dưới phần bình luận, nhiều người cho biết: Chủ hụi, cũng là chủ căn nhà then cài cửa đóng im ỉm kia đã rời khỏi địa phương cùng số tiền góp hụi của bà con lên đến hàng chục tỷ đồng. Hộ gia đình mất nhiều nhất khoảng hơn 1 tỷ đồng, còn lại các hộ cũng từ vài chục đến vài trăm triệu.
Đó là số tiền được gom góp từ biết bao nhọc nhằn, vất vả đồng áng, chạy chợ, thợ xây, phụ hồ... của những người dân chất phác, thật thà. Nhiều người trong số họ “thắt lưng buộc bụng”, tằn tiện để hằng tháng dư dả chút ít đóng hụi. Nghĩ vậy nên nhiều người dốc cả vốn liếng dành dụm phòng khi ốm đau, tuổi già để chơi hụi. Ấy vậy mà, cuộc sống lắm lúc nghiệt ngã, trêu ngươi...
Ảnh: Minh họa (Nguồn internet)
Nhìn người lại ngẫm đến ta. Mẹ tôi cũng là một người chơi hụi có thâm niên, như bao người phụ nữ khác ở làng tôi vậy. Người có ít chơi ít, có nhiều chơi nhiều, ít có gia đình nào ở quê tôi không chơi hụi.
Phần lớn những người hăng hái tham gia vào “cuộc chơi” ấy là phụ nữ. Vì sao, đơn giản vì họ là “tay hòm chìa khóa” trong nhà và cũng chỉ có họ mới đủ kiên nhẫn, “chịu thương chịu khó” góp nhặt như thế. Nhiều khi, tôi vẫn thường cáu với mẹ tôi: “Con không hiểu mẹ lấy đâu ra niềm tin và sự dũng cảm để hằng tháng rất lo toan và đều đặn góp mấy triệu đồng đóng hụi cho người ta mà không có một giấy tờ cam kết, việc đảm bảo pháp lý, quyền lợi, rất phức tạp khi có vấn đề phát sinh”.
Mẹ tôi bực lắm, phân trần: “Bao đời nay, người ta đã chơi hụi rồi chứ có phải đến nay mới có đâu. Con thử nghĩ, ở vùng quê như mình, mỗi khi nhà có công to việc lớn, cách gì huy động số tiền lớn mà nhanh, gọn hơn chơi hụi. Còn cái sự không may thì là không may, ai mong muốn đâu”. Mẹ giải thích thế thì con... chịu!.
Thực ra, ngay trong cách nói của mẹ, tôi đã nhận thức rất rõ vấn đề nằm ở đâu. Cái sự nhanh - gọn - dễ dàng ấy là nguồn cơn của mọi vấn đề. Chơi hụi (họ, biêu, phường), về bản chất, là một hình thức huy động tài chính. Quy mô lên đến hàng chục tỷ đồng cũng không hề nhỏ.
Ấy vậy mà phương thức tổ chức, hoạt động rất đơn giản, sơ khai. Chỉ cần có một người đứng ra làm chủ (chủ hụi) và mời các thành viên khác cùng chơi (con hụi). Chủ hụi có trách nhiệm đi thu tiền (tài sản) của con hụi. Một “dây hụi” có thể không giới hạn người chơi. Các thành viên của dây hụi thống nhất góp một loại tài sản có giá trị giao dịch như: tiền, vàng... “Dây hụi” tự thỏa thuận số lượng tài sản góp, số kỳ góp, thời gian góp, kỳ mở hụi... Hụi kết thúc khi tất cả các con hụi đều đã được lấy hụi.
Bên cạnh hụi không tính lãi thì có hụi tính lãi. Với kiểu chơi hụi có lãi này, người nào lấy hụi trước sẽ lỗ nhiều, người lấy hụi càng về cuối “dây hụi” sẽ càng có lãi. Thông thường, trong một chu kỳ hụi có lãi theo tháng, người lấy hụi trước phải đóng tiền cao hơn người chưa lấy hụi.
Tất cả những giao dịch “tiền tươi thóc thật”, thỏa thuận về quyền và lợi ích ấy đa phần được thực hiện theo hình thức “truyền miệng” hoặc chặt chẽ lắm là giấy viết tay (không công chứng). Ai cũng đều đặn đóng hụi với niềm tin sâu sắc vào người chủ hụi theo kiểu “người làng người xã”, “quen biết nhau cả”, “có chuyện gì tao lên tận nhà bố mẹ nó làm cho ra nhẽ, biết mặt chứ lôm côm sao được”...
Và “một ngày đẹp trời”, chủ hụi “cao chạy xa bay” cùng toàn bộ số tiền của “dây hụi” lên đến hàng trăm, chục tỷ đồng như ở làng quê nọ, ai biết mặt ai thì rõ mười mươi...
“Đệ đơn” lên cơ quan chức năng thì cũng xác định là “việc đã rồi”. Nhiều trường hợp chủ hụi ôm tiền của con hụi biệt tích vài năm, sau đó ung dung trở về địa phương sinh sống như chưa có chuyện gì. Ai ầm ĩ cứ ầm ĩ, câu trả lời chỉ có một: “Bao giờ có tiền chúng tôi sẽ hoàn trả”... Bao giờ là bao giờ?
Ở chiều ngược lại, chủ hụi không phải lúc nào cũng “nắm đằng chuôi” trong dây hụi. Cũng có không ít trường hợp, con hụi sau khi lấy hụi rồi bỏ đi biệt tích khiến chủ hụi phải “gánh còng lưng”.
Trước đây, việc chơi hụi chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ quyền lợi. Từ năm 2006, Nghị định số 144/2006/NĐ-CP của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường được ban hành. Nghị định nêu rõ quy định về hình thức họ, hụi, biêu, phường cũng như quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của những người tham gia. Nhưng tin chắc, lực lượng đông đảo những người tham gia hụi (kể cả chủ hụi và con hụi) đều không nắm vững những thông tin cơ bản này. Vì sự tiện lợi, dễ dãi trong cách thức tổ chức tham gia và tính ứng dụng cao mà hụi vẫn phổ biến và thu hút nhiều người tham gia mặc cho đâu đó ở những ngôi làng lại xôn xao chuyện vỡ hụi, nhiều gia đình tan nát, nhiều người lâm cảnh khổ vì hụi... Hụi cũng như tập quán, tập tục ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống.
Vừa ăn vội ăn vàng cho xong bữa cơm tối, mẹ tôi tất tưởi dắt xe ra cổng, dặn với vào trong: “Mẹ đi họp hụi”. Nhìn bóng bà vừa đi khỏi, tôi thầm cầu mong cho “cái sự không may” đừng xảy ra, đừng phụ lòng tin của người đàn bà chân chất, thật thà hàng chục năm tâm huyết, nhiệt tình với hụi, đừng khiến bà phải buồn, lo vì hụi...
Hoàng Linh
{name} - {time}
-
2024-12-08 08:21:00
Chăn mùa đông này có sử dụng được cho năm sau?
-
2024-12-06 07:50:00
Cuối năm, chuyện nên bỏ
-
2024-11-08 07:52:00
Quà tặng Ngày 20/11